NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN VỀ THỊ TRẤN
Thị trấn Nguyên Bình là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị - xã hội của huyện Nguyên Bình, phía Bắc giáp xã Bình Lãng huyện Thông Nông, phía đông giáp xã Vũ Minh, phía tây giáp xã Thể Dục, phía nam giáp xã Tam Kim. Diện tích đất tự nhiên lớn[1], địa hình rộng, dân cư phân tán, trình độ nhận thức xã hội không đồng đều, có sự chênh lệch giữa các xóm với tổ dân phố. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phát triển chậm. Sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, người lao động thiếu việc làm, thiếu đất canh tác, dịch vụ phát triển chậm. Địa phương không có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Thị trấn Nguyên Bình có 8 đơn vị hành chính, bao gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống[2]. Cây trồng chính của thị trấn chủ yếu là cây ngô, lúa, đỗ tương, mía. Vật nuôi chủ yếu: trâu, bò, lợn, gà, vịt. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ.
Cơ sở hạ tầng thị trấn được quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường đã được đầu tư xây dựng, hệ thống kênh mương thuỷ lợi được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, công trình nước sinh hoạt đã được đầu tư nhưng không đủ nước phục vụ cho sinh hoạt. Trạm y tế đã được đã được kiên cố, có đủ cán bộ y bác sỹ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, trường học có 01 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 01 trường THCS, 01 trường Phổ thông dân tộc Nội Trú 99% các hộ nông dân được sử dụng điện lưới, 100% xóm, tổ dân phố được xây dựng nhà văn hoá xóm nhưng do sáp nhập nhà văn hóa xóm, tổ dân phố không đảm bảo được diện tích cho sinh hoạt cộng đồng.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Từ thị trấn đến cơ sở xóm, tổ dân phố thực hiện tốt các văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp Luật của nhà nước. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng theo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Toàn thị trấn còn có 175 hộ nghèo (chiếm 18,27 %), số hộ cận nghèo còn 87 hộ (chiếm 9,08%). Hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là người dân tộc thiểu số ít người.
Với những điều kiện tự nhiên và xã hội như trên việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng có nhiều thuận lợi và gặp không ít khó khăn.
* Thuận lợi: Được sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của UBND huyện, các phòng ban chuyên môn của huyện, thường trực Đảng uỷ, HĐND. UBND thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, xóm, tổ dân phố triển khai kịp thời các chính sách phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bảo đảm an ninh quốc phòng ở địa phương.
* Khó khăn:Trình độ dân trí không đồng đều giữa vùng đồng và vùng cao, một số xóm dân cư phân tán nên việc đi lại của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa cao.Trong sản xuất nông nghiệp việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát.Tập quán canh tác độc canh ở các xóm vùng cao chưa được xoá bỏ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Số hộ nghèo còn 175 hộ chiếm 18,27%, các tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra trên địa bàn đặc biệt là tệ nạn ma tuý có chiều hướng ngày càng tăng, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp giải quyết giảm tệ nạn ma tuý trên địa bàn. Đặc biệt trong năm 2024, tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, hạn hán, mưa lớn kéo dài vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
[1] Tổng diện tích tự nhiên là 1.909,72 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp: 356,00 ha, đất lâm nghiệp 1317,54 ha, đât phi nông nghiệp 121,73 ha, đất chưa sử dụng 109,51 ha.
[2] Tày có 506 hộ (53,43%), Nùng: 129 hộ (13,63%), Mông: 8 hộ (0,84%), Dao: 169 hộ (17,85%), Kinh: 119 hộ (12,57%), Ngái: 08 hộ (0,84%), Hoa: 5 hộ (0,53%), Cao lan: 2 hộ (0,21%), Mường: 01 hộ (0,11%).